Blog

Thăm Mô Hình Phục Dựng Tháp Chăm Duy Nhất Tại Việt Nam

Tháp Chăm là công trình kiến trúc tôn giáo của Vương quốc Chăm Pa cổ xưa, mang đặc trưng của kiến trúc Ấn Độ giáo. Tháp thường được xây vị trí thoáng, trên những gò đồi cao nhất nơi vùng đất mà nó ngự trị. Tháp Chăm có chiều cao lớn hơn vài ba lần so với chiều ngang thân tháp, phần ngọn tháp được thu nhỏ dần hoặc giật cấp. Các trang trí kiến trúc, điêu khắc có tính nhịp điệu, tính lặp lại và đồng dạng, đăng đối. Đa phần các tháp có cửa quay ra hướng đông đón dương khí. Các phía còn lại là cửa giả, được bố trí đăng đối với cửa chính. Kỹ thuật xây dựng tháp là sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ của công nghệ xây dựng và điêu khắc trang trí. Giữa các viên gạch không thấy xuất hiện mạch vữa, cả tháp là một khối gần như đồng nhất, có tính thẩm mỹ cao.

Mặt bằng tháp đa số là hình vuông, không gian bên trong hẹp. Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Các công trình trong tổng thể một nhóm tháp Chăm thường được bố cục theo một đường trục chạy giữa với hướng chính của các công trình thường mở ở phía đông - hướng của thần thánh, của sự sinh sôi, nảy nở.

Thăm Mô Hình Phục Dựng Tháp Chăm Duy Nhất Tại Việt Nam

Người Chăm xây tháp bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ chất đất sét thông thường. Họ đã nhào nặn nên những viên gạch mang nhiều bí ẩn mà gạch ngày nay không thể có. Viên gạch Chăm khi cầm lên thấy nhẹ, ruột bên trong gạch xốp, có độ dẻo, độ uốn. Trên bề mặt gạch có nhiều lỗ xốp mịn và thô. Trong viên gạch có khi lẫn cả hạt cát và nhiều vỏ trấu, rơm hoặc xác thực vật sau khi cháy để lại trong gạch. Người xưa đã trộn vào đất làm gạch một lượng chất hữu cơ hay cát hợp lý, làm cho gạch xốp, có nhiều lỗ mịn mà các bức tường có độ thấm hút cao.

Thăm Mô Hình Phục Dựng Tháp Chăm Duy Nhất Tại Việt Nam

Chất liệu gạch đặc biệt đã làm cho tháp Chăm sau hàng ngàn năm không bị rêu phủ. Màu gạch qua vài trăm năm vẫn tươi rói. Các viên gạch liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững. Người ta đoán rằng xưa kia người Chăm dùng gạch nung sẵn rồi gắn với nhau bằng vữa đất sét, sau đó toàn bộ được nung lại. Các nhà khoa học đã nhận biết được loại vật liệu để kết dính những viên gạch lại với nhau trong kết cấu tường tháp Chăm là loại keo được tinh chế từ một loài thực vật vốn có rất nhiều tại địa phương mà người dân thường gọi là cây dầu rái. Người Chăm quả là bậc thầy của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch, làm nên một loại hình kiến trúc được xếp vào hàng độc nhất vô nhị trên thế giới.

Thăm Mô Hình Phục Dựng Tháp Chăm Duy Nhất Tại Việt Nam

Tại Khu du lịch Suối Lương - Haivan Park bạn có thể tham quan mô hình tháp Chăm được phục dựng theo nguyên bản tháp Bằng An (Điện Bàn, Quảng Nam) với đúng kỹ thuật làm gạch, xây tháp xa xưa. Nghệ nhân Nguyễn Văn Chỉnh là tác giả của công trình này, ông qua đời sau khi hoàn thành công trình mà ông đã bỏ cả cuộc đời ra tìm tòi nghiên cứu. Đây cũng là mô hình phục dựng tháp Chăm duy nhất tại Việt Nam.

Thăm Mô Hình Phục Dựng Tháp Chăm Duy Nhất Tại Việt Nam

Công trình tháp Chăm là nơi bạn không thể bỏ lỡ khi đến Suối Lương - Haivan Park.