NGUỒN GỐC CỦA NGÔI NHÀ SÀN NGƯỜI MƯỜNG
Người Mường tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Kiến trúc nhà sàn của người Mường trước hết hấp dẫn du khách bởi hình dáng bên ngoài giống như con rùa. Tích xưa truyền lại, người Mường cổ thường cư trú, sinh sống theo từng bản làng với hình thái tổ chức xã hội đặc thù mà người xưa gọi là chế độ “lang đạo”.
Trong đó, các dòng họ thuộc tộc Mường như Bạch, Hà, Đinh, Quách… mỗi họ lại chia nhau cai quản mỗi vùng đất khác nhau. Đứng đầu mỗi Mường có các Lang cun, dưới Lang cun có các Lang xóm hoặc Đạo xóm, cai quản một xóm.
Theo người cao tuổi ở bản Lác (Mai Châu, Hoà Bình), trong áng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường có đoạn kể rằng: có một vị lang đầu tiên cai quản xứ Mường trên là lang Đá Cần đi bẫy và bắt được một con rùa.
Con rùa van nài Lang đừng giết thịt nó, đổi lại, rùa sẽ trả ơn bằng cách mách cho vị lang nọ cách làm nhà sàn để tránh thú dữ. Rùa dạy: “Bốn chân tôi là bốn cột cái/ Hai mai tôi là hai mái nhà/ Xương sống tôi là đòn nóc/ Chặt cây lim làm cột/ Lạt buộc bằng cây giang/ Cỏ gianh dùng để lợp”. Sau đó, vị lang này đã thả rùa và quay về bản dựng nhà theo như lời rùa.
Từ đó, nhà sàn của người Mường ra đời. Khi nhà sàn được dựng lên, các cột cái trong nhà sàn được chôn sâu dưới đất làm trụ rất vững chãi, sàn nhà làm cao ráo cách mặt đất khoảng cách từ 2,5-3 m, lối đi xuống là chiếc cầu thang.
-st-